Bộ trưởng yêu cầu: Từ nay đến tháng 12, các địa phương phải phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tạo nên sự bứt phá, tìm ra những nội dung mới, công việc mới, hành động mới để tạo ra những tiến bộ trong hoạt động của ngành.
Hiện giờ các đơn vị, địa phương đang tiến hành xây dựng báo cáo văn kiện đại hội Đảng các cấp. Do đó, chúng ta cần suy nghĩ về những nội dung, giải pháp để đưa vào chương trình mới, về chiến lược phát triển của ngành, về an sinh xã hội trong 10 năm tới. Đưa vào nghị quyết để sau đó thể chế hóa.
Ở đây cần lưu ý, với lĩnh vực người có công, ta phải coi đây là món nợ mà còn nợ nhiều, mặc dù thời gian qua chúng ta đã cố gắng ở mức cao nhất, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Bởi cho đến giờ vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Có thể ở cấp tỉnh hết hồ sơ, nhưng trong dân vẫn còn. Những địa phương đã giải quyết căn bản rồi thì cần công khai trên truyền thông đại chúng để hỏi dân xem có còn hồ sơ tồn đọng hay không? Nếu còn thì đưa đến để xử lý.
Hồ sơ tồn đọng ngày càng khó hơn. Cố gắng giải quyết dứt điểm những hồ sơ đủ điều kiện. Vì nhiều nét đặc thù, không yêu cầu gấp về thời gian theo quy trình thông thường đối với hồ sơ tồn đọng. Chúng ta phải giải quyết với tinh thần không để sót đối tượng, trong thời gian nhanh nhất có thể. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xem xét giải quyết hồ sơ ở các tỉnh trọng điểm như Nghệ An, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Trị… và một số địa phương khác.
Giám đốc sở LĐ-TB&XH các địa phương phát biểu tại Hội nghị giao ban
Lĩnh vực người có công cũng là lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo nhất. Vì vậy, cần tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu tố và thanh tra. Đề nghị Thanh tra bộ tổng hợp lại xem những hồ sơ đã giải quyết, bao nhiêu giao cho các địa phương mà chưa giải quyết?
Bên cạnh đó, cần tiến hành số hóa hồ sơ. Đề nghị tất cả các địa phương chủ động thực hiện theo nguyên tắc đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Giám định AND cùng với việc thiết lập ngân hàng bia mộ cũng là việc cần phải triển khai. Vừa qua có khoảng 50 gia đình tìm ra người thân thông qua ngân hàng bia mộ. Hiện một số địa phương sử dụng quá nhiều hình thức tìm mộ liệt sĩ thông qua ngoại cảm. Thực ra ngoại cảm chỉ để tham khảo, chúng ta không nên lạm dụng.
Với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 sẽ có hội nghị cấp quốc gia, kết nối với Bộ Công thương về kết nối doanh nghiệp với hoạt động đào tạo nghề tương đối quy mô.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban
Các địa phương cần chú ý kết nối doanh nghiệp với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Sẽ chuyển hướng chi trả theo đặt hàng đầu ra. Doanh nghiệp sẽ tham gia quá trình đào tạo.
Việc sắp xếp lại hệ thống dạy nghề là cần thiết, tuy nhiên không sáp nhập cơ học, ồ ạt, máy móc, mà cần phải theo chủ trương, lộ trình, phải căn cứ trên đánh giá, phân tích một cách khoa học.
Về XKLĐ, thời gian tới sẽ sửa luật để tạo điều kiện phát triển thị trường lao động ngoài nước và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nướic ngoài. Thời gian tới, thị trường lao động ở châu Âu sẽ mở rộng, trước mắt sẽ chọn khoảng 10 doanh nghiệp làm thí điểm. Còn Nhật Bản, điều dưỡng viên đang làm thí điểm, tháng 5 tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thí điểm nữa. Giờ là lúc ta đàm phán để nâng cao quyền lợi cho lao động và doanh nghiệp.
Về phòng chống ma túy, cần coi đây là 1 trong 2 vấn đề ưu tiên, cùng với chăm sóc bảo vệ trẻ em. Cần nhận thức cho đúng, vì nguy cơ hiểm họa rất lớn, diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Qua khảo sát thực tế, có thể nhận thấy số đối tượng sử dụng ma túy đá chiếm tỷ lệ rất cao, số lượng người nghiện cũng tăng rất nhanh. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta đừng coi cai nghiện bắt buộc là giải pháp tối ưu, mà phải coi trọng cai nghiện cộng đồng, gắn với trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.
Cần lưu ý, nơi nào để xảy ra “vỡ” cơ sở thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp trách nhiệm với công an và các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, phải chú ý tăng cường chế độ chính sách và con người cho lực lượng cán bộ, nhân viên làm trong các cơ sở cai nghiện.
Hội nghị mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã đạt được nhiều kết quả
Về chăm sóc bảo vệ trẻ em, cần tạo môi trường cho trẻ em phát triển lành mạnh, đảm bảo đầy đủ 4 quyền. Trong tháng 5 và tháng 10 Chính phủ sẽ tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, giao trách nhiệm các địa phương trong vấn đề quản lý. Khi xảy ra các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thì cần xử lý nhanh nhất, tham mưu chính quyền và cơ quan tư pháp để xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ cho các em nhanh nhất. Chú ý giáo dục kỹ năng sống cho các em. Hiện nay, số liệu thống kê cho thấy chỉ 30 % trẻ em bị bạo hành và xâm hại được hỗ trợ, còn 70% chưa được hỗ trợ.
Về cải cách hành chính, mặc dù thời gian gần đây làm có tốt hơn, nhưng vẫn còn chậm. Điển hình, một số cục, vụ, địa phương giải quyết hồ sơ, kết luận của lãnh đạo rất chậm. Bộ sẽ kiên quyết tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính. Tiến tới 3 loại cấp phép của bộ sẽ cấp trực tuyến.
Về thay đổi thể chế, nhiệm vụ năm nay rất nặng nề: Sẽ trình Bộ luật Lao động, Pháp lệnh người có công và nhiều văn bản pháp quy quan trọng khác. Vì tính chất quan trọng nên đề nghị người đứng đầu đơn vị phải đích thân làm công tác thể chế.
Chúng ta đang đảm nhiệm 14 nhiệm vụ vì sự phát triển chung của xã hội. Vì thế, dù khó khăn đến đâu, cũng rất mong các đơn vị, địa phương nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được đặt ra.