251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Cần phát triển những dịch vụ Công tác xã hội với trẻ tự kỷ

Theo khái niệm của Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2008, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường thể hiện trong 3 năm đầu đời, do một rối loạn của não bộ dẫn đến những khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ, có các hành vi, sở thích lặp đi lặp lại và hạn hẹp. Theo ước tính, ở Việt Nam có khoảng 200 nghìn người, gồm cả trẻ em và người trưởng thành, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Theo nghiên cứu mới nhất năm 2017, tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam dao động từ 0,5 đến 1%. Con số đáng báo động trên đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng về sự cấp thiết của việc hỗ trợ cho đối tượng này.

 Tại Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, trẻ tự kỷ và gia đình gặp vô vàn khó khăn trong việc giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống, trong điều kiện hệ thống chẩn đoán, đánh giá, can thiệp cho trẻ một cách chuyên nghiệp vẫn còn thiếu và yếu. Nắm được thực trạng này, Trung tâm Công tác xã hội đang nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu hướng đi phù hợp nhất để hướng đến hỗ trợ tốt hơn cho nhóm đối tượng trẻ tự kỷ và gia đình của trẻ. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, tháng 7 năm 2020, Trung tâm đã cử 05 viên chức tham dự khóa đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội với trẻ tự kỷ kéo dài 48 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh do Cục Bảo trợ xã hội tổ chức với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội.

1.jpg

Nguồn: https://amp.thaythuoccuaban.comml

Qua khóa học, viên chức được mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xã hội trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Trong thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội sẽ tiếp tục chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, phát huy vai trò, tăng cường công tác truyển thông nâng cao nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng về chứng rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời thực hiện quản lý trường hợp, tham vấn cho gia đình và tìm kiếm các nguồn trợ giúp, dịch vụ can thiệp phù hợp giúp trẻ hòa nhập một cách hiệu quả.