251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Cần Thơ: Những người tốt ‘xa lạ’

Tận dụng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ đã làm được những việc có ích cho xã hội.

“Trưa hôm ấy, tôi vừa ngoài ruộng về thì gặp cậu thanh niên trẻ đến hỏi thăm và nói sẽ cất cho tôi căn nhà mới. Tôi nghĩ là nói đùa nên chẳng hy vọng gì nhưng vài ngày sau, ghe chở vật tư và thợ đến làm, hơn tháng là xong”, bà Nguyễn Thị Yến ở xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) kể về căn nhà “trên trời rơi xuống” của mình.

Bà cho biết, nhờ căn nhà mà mấy năm nay hai bà cháu có chỗ ở ấm áp, không phập phồng lo sợ như trước nữa. Chàng thanh niên tốt bụng kia là Nguyễn Minh Nhật, 30 tuổi ở phường Lê Bình (Cái Răng, Cần Thơ). Hiện anh là giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ Sài Gòn đóng tại Cần Thơ.

Anh Nhật nói anh biết bà Yến là từ ban giám hiệu trường tiểu học Long Thạnh 3, xã Long Thạnh, nơi cháu ngoại bà đang học. Trường thấy cháu học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn, nhà cửa rách nát, mỗi khi trời mưa không chỗ trú nên giới thiệu nhờ giúp đỡ. Không chỉ giúp bà Yến, anh Nhật, hơn 6 năm nay đã vận động các nhà hảo tâm làm được gần 20 căn nhà tình thương cho người nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ gạo, quần áo, sách vở cho hàng nghìn học sinh ở nhiều tỉnh ĐBSCL.

“Mỗi khi trao tiền cho ai, chúng tôi đều mời các nhà hảo tâm đi cùng để họ yên tâm đồng tiền giúp đỡ đúng chỗ. Nhờ minh bạch tài chính nên nhóm ngày càng phát triển. Hiện tại, nhóm đã có hàng trăm người ở trong và ngoài nước tham gia”.

Nguyễn Minh Nhật

Anh Nhật bắt đầu làm việc thiện nguyện từ hồi sinh viên. Hồi đó, thấy bạn bè chung lớp không có tiền đóng học phí, phải nghỉ đi bán vé số, anh nghĩ cách giúp đỡ. Anh và vài người bàn tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ tặng sinh viên nghèo, may nhờ có ca sỹ nổi tiếng tham gia và nhiều người ủng hộ, đã thu được trên 100 triệu đồng và giúp được mấy chục sinh viên. Anh Nhật hiểu rằng, việc thiện nguyện có rất nhiều người ủng hộ, vấn đề là tập hợp được nguồn lực để đưa tới đúng địa chỉ.

Dần dần, anh Nhật thành lập nhóm từ thiện “Trao yêu thương”, mở trang web canhdoi.com và đăng ký tài khoản trên facebook để mọi người tham gia. Nghe ở đâu có người nghèo cần giúp đỡ, anh đến tìm hiểu, viết bài đăng lên website và facebook. Theo lời anh Nhật, vận động trên mạng xã hội có cái khó là mọi người không biết mình là ai, không khéo hiểu lầm mình tư lợi. Vì thế, tài chính lúc nào cũng phải minh bạch, công khai.

“Mỗi khi trao tiền cho ai, chúng tôi đều mời các nhà hảo tâm đi cùng để họ yên tâm đồng tiền giúp đỡ đúng chỗ. Nhờ minh bạch tài chính nên nhóm ngày càng phát triển. Hiện tại, nhóm đã có hàng trăm người ở trong và ngoài nước tham gia. Hầu hết những người cần giúp đỡ ở vùng sâu, đường sá đi lại khó khăn, có những người nhà giữa đồng muốn đến phải lội bộ mấy cây số. Đến nơi, nhìn cảnh nhà ọp ẹp, rách nát không có chỗ ngủ mà chạnh lòng. Những người được tặng nhà đều xúc động, nét mặt họ rạng ngời hạnh phúc khiến chúng tôi vui mừng lây”, anh Nhật nói.

Chữa bệnh

Ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang), bà Trần Thị Nhờ trở về sau phẫu thuật tim từ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cách nay hơn 3 tháng, nhờ tiền hỗ trợ của chị Dương Hồ Loan và một số nhà hảo tâm khác. Bà Nhờ bị hở van tim 3 lá, sống trong căn chòi mục nát hơn 5 năm trước. Do không có tiền chữa trị nên bà nằm ở nhà “thoi thóp” uống thuốc nam qua ngày. Thế rồi, một buổi trưa bà đang nằm thở mệt nhọc thì chị Loan tới thăm và đưa bà đi bệnh viện.

Chị Loan hoàn toàn xa lạ, không bà con, quen biết gì với bà Nhờ. Chị làm kế toán cho một doanh nghiệp xây dựng ở thành phố Cần Thơ. Qua bạn bè, chị biết được hoàn cảnh khốn khó của bà Nhờ nên tìm đến. Chị kể: “Tôi đi sáng sớm đến trưa mới tìm được nhà. Đến nơi, thấy bà Nhờ nằm co ro trên võng, người gầy nhom, da xanh xao. Tôi đã có tiền vận động từ các nhà hảo tâm từ trước nên kêu gia đình đưa bà đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang ngay, rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM để mổ và đã cứu sống bà kịp thời”.

Lương tháng của chị Loan chỉ 5 triệu đồng, phải nuôi mẹ già và con gái đi học nhưng đã cố gắng tằn tiện trong sinh hoạt để dành dụm giúp đỡ người nghèo và trẻ em mồ côi hơn chục năm nay. “Bản thân tôi cũng không dư dả nên chủ yếu vận động bạn bè trên facebook giúp đỡ người khác. Quan trọng là ngọn lửa nhiệt huyết và sự minh bạch của mình có đủ để thuyết phục bạn bè ủng hộ hay không thôi”, chị Loan tâm sự.

Nhung nguoi tot 'xa la' - Anh 2

Chị Dương Hồ Loan tặng áo ấm cho các cụ già.

Chị kể, thuở bé nhà nghèo, gia đình hai chị em sống bằng nghề bán trà đá dạo ở bến xe trên đường Hùng Vương Cần Thơ gần 5 năm nên luôn đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. “Bây giờ mình được như thế này là may mắn lắm rồi nên khi thấy người nghèo là muốn chia sẻ với họ trong điều kiện có thể”, chị Loan bộc bạch.

Chị Loan cho biết thêm, nhóm thường đến các bệnh viện ở Cần Thơ và Hậu Giang tổ chức nấu ăn cho bệnh nhân nghèo hay thăm hỏi các cụ già, trẻ mồ côi. Trước tết nhóm có phối hợp với báo Tiền Phong tặng 100 áo ấm cho các cụ già ở Trung tâm nuôi dưỡng người già thành phố Cần Thơ từ tiền vận động. Sắp tới, chị dự định sẽ tổ chức tặng 100 bộ đồng phục mới cho học sinh nghèo vùng sâu ở tỉnh Sóc Trăng.

Giúp trẻ em

Cô gái 26 tuổi Võ Trúc Duyên ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Ninh Kiều) bị liệt toàn thân, chỉ có 2 ngón tay cử động yếu ớt. Một ngày cuối tháng 3/2016, cô nằm trên giường miệt mài đưa thông tin và hình ảnh về đứa bé bị ung thư đang nằm ở Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ lên facebook để kêu gọi giúp đỡ. Dừng tay, Duyên cho biết, công việc từ thiện này cô đã làm nhiều năm rồi.

Năm 2010, Duyên thành lập nhóm thiện nguyện “SuperKeys”, phần lớn thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Cần Thơ. Từ đó đến nay, nhóm tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tặng quà người lang thang cơ nhỡ. Đối tượng mà nhóm hướng đến chủ yếu là trẻ em hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Nhung nguoi tot 'xa la' - Anh 3

Anh Nguyễn Minh Nhật tặng quà cho bà Yến trong lần đi khảo sát để xây nhà tặng bà.

Đối với Duyên, ấn tượng nhất là những lần cùng nhóm bạn đi phát quà cho trẻ em cơ nhỡ, bán vé số ngoài đường. “Bản thân mình đã thiệt thòi nhưng may mắn được cha mẹ thương yêu còn các trẻ em khác phải kiếm tiền để lo cho gia đình”, Duyên chia sẻ. Nói về khó khăn, Duyên cho biết, thời gian đầu, nhóm gặp nhiều trở ngại về nguồn quỹ. Tuy nhiên, khi mọi người hiểu thì nhiệt tình ủng hộ.

Cô kể: “Một số người thắc mắc nói sao tôi đã như vậy rồi mà còn đi làm từ thiện, trong khi tôi cũng là người không được may mắn. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Đúng là tôi có phần không may mắn nhưng tôi vẫn thấy mình ổn hơn rất nhiều người. Hơn nữa, tôi suy nghĩ đơn giản là cuộc sống này cần tình người và sự quan tâm lẫn nhau để tất cả hạnh phúc”.

Duyên là con thứ hai trong gia đình ba chị em. Mẹ của Duyên, bà Nguyễn Thị Trang Thùy kể, lúc Duyên tròn 1 tuổi, đứa cháu bà bế Duyên đi chơi, không may vấp té xuống đất, làm bại não. Duyên không đứng ngồi được, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày nhờ người thân giúp đỡ.

Không cam phận, năm 2007, Duyên bắt đầu tiếp cận máy vi tính. Từ đó, Duyên nảy ra ý định kiếm tiền bằng cách mở trang web bán hàng trên mạng. Đồng thời, làm thiết kế quảng cáo, logo, banner, tờ rơi, poster, đồng phục mà khách hàng chủ yếu là sinh viên. Cách nay hơn 2 tháng, nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ xuất bản quyển sách ảnh về chợ nổi Cái Răng, phần thiết kế do hai ngón tay yếu ớt của Duyên đảm nhận.