Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp - nêu ý kiến tại hội nghị
Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước tuyển sinh trên 490.000 người, đạt 21,7% kế hoạch; Giải quyết việc làm cho hơn 484.000 lao động, đạt 30,3% kế hoạch, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,11%. Tuy nhiên, công tác quản lý lao động và dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, nhất là tại Đài Loan, ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo. Chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước; Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2017 và 2018, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị nâng cao chất lượng GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động. Các tỉnh, thành mong Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt hơn công tác dự báo thị trường lao động để các trường có định hướng đào tạo ngành, nghề phù hợp yêu cầu xã hội. Cần có quy định đối với các doanh nghiệp (DN) về sử dụng lao động phải qua đào tạo.
Đại diện TP.Hà Nội kiến nghị, không nên hợp nhất trường trung cấp và CĐ vì thực tế có những trường trung cấp hoạt động rất hiệu quả. Càng không nên sáp nhập những trường ở xa trung tâm để tạo điều kiện thuận tiện cho người học…
Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng - nêu thực trạng: Nguồn nhân lực chất lượng cao vừa thiếu vừa yếu. Tại các ngày hội tuyển dụng, các DN của Đà Nẵng chỉ tuyển được tối đa 25% nhu cầu. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có chính sách khuyến khích, kết hợp quy định, bắt buộc DN tham gia công tác đào tạo với các trường để nâng cao chất lượng gắn với giải quyết việc làm cho học viên. Tổng cục Dạy nghề công khai những đơn vị có chất lượng đào tạo tốt để phục vụ công tác tuyển sinh và đào tạo…
Đại diện TP.HCM đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm ban hành danh mục kỹ thuật để các trường có cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo theo giáo trình được chuyển giao...
Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp - bức xúc: “Các em tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề đa số không thích học văn hóa, nhưng chương trình đào tạo quy định các em vừa học nghề vừa học văn hóa khiến nhiều em không “kham” nổi và bỏ học. Nên chăng chúng ta chỉ dạy nghề để các em vào đời có việc làm và sẽ tiếp tục học văn hóa nếu có nhu cầu...”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo các địa phương tập trung quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách và quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng người có công với cách mạng.
Bộ trưởng thừa nhận, vấn nạn ma túy tại Việt Nam đã diễn biến đến mức báo động. 95% người vào các cơ sở cai nghiện bị ngáo đá, rất dễ dẫn đến hành vi tội ác. Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với các ngành liên quan, xem lại các quy định về công tác cai nghiện và cơ sở vật chất, nhân sự tại các cơ sở này. Các địa phương phải tăng cường phối hợp ngành công an để quản lý người nghiện và công tác phòng chống ma túy. Tham mưu lãnh đạo địa phương quan tâm chế độ chính sách và tăng cường lực lượng cho những cơ sở cai nghiện.
Đối với công tác GDNN, sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức hội nghị về công tác dự báo thị trường lao động, kết hợp GDNN và phát triển thị trường lao động. Nghiên cứu thực hiện kết nối phần mềm giữa các tỉnh, thành về nhu cầu nhân lực. Các địa phương không nên sắp xếp ồ ạt các trường, cần ưu tiên giải thể những trường CĐ, trung cấp hoạt động không hiệu quả. Đầu tháng 5 này, Luật Giáo dục sẽ đưa chương trình 9+ vào các trường CĐ, mở ra hướng mới cho người học. Tổng cục GDNN sẽ soạn chính sách quy định DN phải tham gia quá trình đào tạo nghề.
Đối với công tác bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Bộ GD-ĐT tăng cường công tác thanh tra, quản lý các trường, nhất là trường mầm non, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
“Tôi đề nghị các địa phương, ngay khi có thông tin về vụ việc bạo lực học đường, không trông chờ kết quả xử lý mới hành động mà phải chủ động phối hợp nhà trường, cơ quan bảo vệ trẻ em để nhanh chóng hỗ trợ các em và xử lý nghiêm minh, kết hợp cơ quan tố tụng bảo vệ quyền lợi các em, nhất là những trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Các tỉnh, thành phối hợp ban ngành đẩy mạnh chương trình dạy bơi cho trẻ để phòng đuối nước, tăng cường kết hợp cùng cộng đồng, gia đình để giám sát các em. Thực hiện rà soát và cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm về đuối nước…”, ông Dung nhấn mạnh.