Hội nghị chủ yếu nhằm bàn những nội dung, giải pháp để thúc đẩy 3 đột phá của ngành: Xây dựng thể chế, hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh; Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác chăm sóc trẻ em. Phấn đấu đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Ngành và 11 chỉ tiêu do Ngành đặt ra.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận nhằm thúc đẩy giải quyết những vấn đề bức xúc mà xã hội đặt ra, đòi hỏi ngành LĐ-TBXH giải quyết như: phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ…
Nỗ lực ngay từ những tháng đầu năm để đạt kết quả cao nhất
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo đề dẫn, nêu rõ: Triển khai Nghị quyết số 69/2018/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, ngành LĐ-TBXH đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban
Cụ thể, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, giải quyết việc làm và XKLĐ, ước 4 tháng đầu năm cả nước đã tuyển sinh trên 490.000 người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp gần 63.000, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trên 427.000. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng lao động, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động, nhất là sau tết; triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ tạo việc làm; phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước; ước 4 tháng giải quyết việc làm cho trên 484.000 lao động; đưa trên 44.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý 1 là 3,11%.
Các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; an toàn vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghệp; ưu đãi người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội; cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy; hợp tác quốc tế; thanh tra, kểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ và có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày Báo cáo đề dẫn
Những tồn tại, hạn chế: Công tác quản lý lao động và dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật lao động - việc làm của một số người sử dụng lao động và người lao động còn chưa cao, ảnh hưởng đến thực thi pháp luật. Vẫn còn tình trạng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, nhất là tại Đài Loan. Đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tốc độ còn chậm; tình trạng nợ đọng, chây ì đóng BHXH vẫn tiếp diễn làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước thương tâm; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng so với cùng kỳ 2017. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều giải pháp quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra
Năm 2019 là năm bản lề trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Trong quý 1, kinh tế cả nước tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, thách thức. Ngành LĐ-TBXH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực nông thôn; biến đổi khí hậu tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội…
Toàn cảnh hội nghị diễn ra tại TP Cần Thơ sáng ngày 25/4
Trước bối cảnh đó, Bộ yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố theo chức trách, nhiệm vụ của mình, tổ chức rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt và bứt phá trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện và đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2019.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là:
- Xây dựng các đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hòan thành, trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và một số văn bản quan trọng khác.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019; trọng tâm là các đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động đồng bộ và hiệu quả; ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN.
- Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho người có công, bảo đảm công khai, minh bạch. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020, chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành trong 4 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên cũng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy công việc, làm sao để chúng ta phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm 2019. Đặc biệt là những vấn đề mới, những vấn đề lớn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và các nghị quyết của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng dự báo từ nay cho đến hết tháng 12 chắc chắn các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ sẽ có nhiều vấn đề mới liên quan đến ngành. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị với một tinh thần quyết liệt từ nay đến hết năm các địa phương cùng với các cục, vụ các đơn vị của bộ phải phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo hiệu quả và tạo ra những bứt phá mới trong công việc của mình.
"Tất cả các đơn vị làm sao để năm 2019 các công việc trên từng lĩnh vực phải tốt hơn năm 2018 như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Hiện các đơn vị, các địa phương cũng đang tiến hành xây dựng các báo cáo, văn kiện Đại hội đảng các cấp, do đó từng đơn vị cần chú ý suy nghĩ các giải pháp, các nội dung để đưa vào trong chương trình mới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.