251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Giúp trẻ học nghề, rèn kỹ năng sống

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ thường xuyên quan tâm trang bị kỹ năng sống cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2020, Trung tâm tổ chức dạy nghề, giúp trẻ thích nghi môi trường học tập, lao động tập thể, kỷ luật cũng như thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Khoảng 2 tuần nay, ngoài giờ học chữ trên lớp, giờ sinh hoạt ngoại khóa, 13 trẻ độ tuổi thanh, thiếu niên sống tại Trung tâm CTXH thành phố tập trung học nghề làm khung hình. Trung tâm trang bị máy khoan cầm tay, máy cắt gỗ và các phụ kiện hỗ trợ quá trình sản xuất. Trung tâm được đơn vị cung cấp nguyên liệu làm khung hình hướng dẫn kỹ thuật, chú trọng để trẻ thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Qua đó, các trẻ có thể học hỏi, chỉ dẫn nhau. Trẻ được hướng dẫn làm tất cả công đoạn và sẽ được bố trí làm công đoạn phù hợp điều kiện, khả năng. 

Thích thú ngắm nghía khung hình vừa hoàn thành, em Kim Hoài Hận (15 tuổi) chia sẻ: “Ðược các cô, chú tận tình chỉ dạy, tụi con lắp ghép các thanh nhựa được cắt sẵn theo ni tấc, rồi vặn ốc vít. Công việc này phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng, sản phẩm mới đẹp. Con được phân làm công đoạn vặn ốc vít, còn công đoạn ghép khung dành cho các bạn nhỏ hơn”. Theo em Lương Lộc Quốc Huy (14 tuổi), nghề này đơn giản, dễ tiếp thu, phù hợp với tuổi và qua đó, rèn Huy làm việc theo kế hoạch, tuân thủ kỷ luật, không đùa giỡn, nói chuyện riêng. Trước đây, các em được học nghề và làm sản phẩm kết cườm trưng bày tại Trung tâm; được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch, vừa bán vừa phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Theo Trung tâm CTXH thành phố, việc dạy nghề cho thanh thiếu niên còn có ý nghĩa quan trọng là quá trình lao động giúp các em được trị liệu tâm lý, rèn kỹ năng sống, thích ứng hoàn cảnh, công việc. Cụ thể, khi tham gia quy trình sản xuất, các em được rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần tập thể, kỹ năng quản lý thời gian. Quá trình làm việc kích thích và tạo cơ hội để các em phát huy tính sáng tạo… Ngoài ra, định kỳ hằng tuần, trẻ ở Trung tâm CTXH thành phố còn tham gia các lớp kỹ năng sống với các chuyên đề phù hợp: nhận thức về bản thân; xác định giá trị và giá trị sống; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống xâm hại trẻ em… cũng như các kiến thức về Luật Trẻ em, tai nạn thương tích, kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe…

Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, chia sẻ: Tập thể Trung tâm luôn trăn trở và tâm huyết giúp các em học nghề nhất định để về sau có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, có ích cho xã hội. Viên chức phụ trách nhóm trẻ học nghề nhiệt tình; hầu hết trẻ phấn khởi, tiếp thu nhanh kỹ thuật. Trong thời gian ngắn, các em thạo nghề, mỗi em mỗi công đoạn, làm ra thành phẩm đạt yêu cầu. 

Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch dạy nghề, Trung tâm được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, khích lệ các em cố gắng học nghề; một số cơ quan, đơn vị, nhất là Thành đoàn Cần Thơ quan tâm ủng hộ. Tuy nhiên, Trung tâm còn một số khó khăn: chưa đủ điều kiện trang bị máy chuyên dụng và một số thiết bị phục vụ sản xuất; địa điểm bố trí học nghề, khu sản xuất chưa đảm bảo; đầu ra sản phẩm chưa đảm bảo tính bền vững. Theo ông Hồ Thanh Hải, Trung tâm cần các sở, ngành, đơn vị ủng hộ tiêu thụ sản phẩm khung hình do trẻ sản xuất; hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài thành phố. Ðồng thời, ngành chức năng vận động, giới thiệu nguồn tài trợ để tiếp tục đầu tư hoạt động dạy nghề ngày càng hoàn thiện và phát triển bền vững