251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH THỰC HIỆN ƯỚC MƠ

 

Chiến tranh đã đi qua gần một nửa thế kỷ, thế nhưng những di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn cứ tồn tại qua nhiều thế hệ. Ðiều đáng ghi nhận, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội.

Để phần nào hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh do chất độc hóa học dioxin để lại, Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách thiết thực để phần nào xóa bớt nỗi đau da cam và Trung tâm công tác xã thành phố Cần Thơ (Trung tâm) là nơi nuôi dưỡng gần 100 đối tượng đa số là người nhiễm chất độc da cam. Trong số đó phải kể đến em Nguyễn Thị Kim Hoàng, sinh năm 7/01/2003 là một trong những mảnh đời vượt khó trong hoàn cảnh.

      

 

Kim Hoàng đang cho đối tượng bị Bại não ăn tại Trung tâm.

Kim Hoàng trót sinh ra không được trọn vẹn như bao đứa trẻ khác, em có khuyết tật hở hàm ếch trên khuôn mặt, có lẽ vì thế mà ba mẹ đã bỏ em từ khi em vừa mới lọt lòng. Em được Trung tâm nuôi dưỡng và cho đi học. Ngoài giờ học, Kim Hoàng luôn dành thời gian tiếp các cô cho các đối tượng ăn, lau dọn phòng, thay tã cho trẻ, rửa bát, phơi quần áo quần… Mọi việc trong phòng, Hoàng đều chịu khó.

Ngoài ra em còn tham gia vào đội văn nghệ. Tuy vậy, thành tích học của Hoàng khá tốt. Chẳng bao giờ thấy Hoàng bị cô giáo nhắc nhở. Lúc nào em cũng học tập hết sức chăm chú và nghiêm túc. Kim Hoàng bảo rằng phải cố gắng học thật giỏi để quý thầy cô không phải lo lắng và em có mong muốn sau này được làm nhân viên chăm sóc những người khuyết tật, tâm thần, bại não đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.

     
Kim Hoàng tham gia văn nghệ khi còn là trẻ được nuôi dưỡng
tại Trung tâm.

Tôi còn nhớ như in, năm 2013 Hoàng theo học lớp học tình thương bên Chúa Quang phòng tổ chức, lúc ấy ngày nào em cũng cầm cái gối ôm cũ rách đi học. Tôi gọi Hoàng lại hỏi, lúc này đôi mắt Hoàng chùn lại với vẻ mặt buồn và nói trong nghẹn ngào với 2 dòng nước mắt lăn dài “Cái gối này…là… là bạn của con, vì trong lớp không bạn nào chơi với con họ sợ ngoại hình của con”. Nghe tới đây trong lòng tôi như thắt lại, tôi cảm nhận được em đã cố gắng rất nhiều để vượt qua bao mặc cảm, tự ti và buồn tủi.

Đến năm 2021 Ban giám Đốc Trung tâm Công tác xã hội đã xét tuyển và tạo điều kiện cho Hoàng trở thành nhân viên chăm sóc. Từ đó em có cơ hội thực hiện ước mơ của mình: Trở thành nhân viên chăm sóc để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh hơn em. Hiện tại Hoàng được giao nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng là người Bại não, Hoàng chăm lo cho các đối tượng như chính người thân của mình, em thường trích lương để mua bánh cho những em nhỏ. Ngoài ra khi các cô bận việc gia đình, Hoàng sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc các đối tượng. Hoàng luôn được các cô chú trong Trung tâm yêu quý tận tình hướng dẫn.

         Qua đây tôi hy vọng những mảnh đời như em Kim Hoàng sẽ được lan tỏa. Đó là sự khao khác, là nghị lực sống phi thường để vượt lên nghịch cảnh. Đó là tình người là sự yêu thương đùm bọc trao nhau những giá trị trong cuộc sống .
Phan Tiền