Bài 1: Khi “điểm tựa” thiếu vững chắc…
Gần đây, tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em
trên địa bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng, đa số nạn nhân từ 6-16 tuổi. Điều
này đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em, gây bức xúc dư luận, làm mất an
ninh trật tự địa phương. Trước thực trạng này, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã
và đang phối hợp triển khai nhiều biện pháp bảo vệ trẻ, đấu tranh, phòng ngừa
loại tội phạm nguy hiểm này.
Đừng bỏ con một mình...
Ðang
ngồi mải mê với mớ đồ chơi cũ kỹ, nghe tiếng gọi, bé A - 7 tuổi, ở phường Châu
Văn Liêm, quận Ô Môn - giật mình, nhóm dậy, chạy nhanh ra nhà sau. Chị S, mẹ bé
A, vội vàng chạy ra. Sau một lúc chào hỏi, trò chuyện, chị S mới bắt đầu trải
lòng: “Mấy tháng nay bé vẫn còn bị ám ảnh. Có những lúc đang ngủ bỗng la lên,
rồi khóc thút thít, gọi mẹ. Ðiều đau lòng là giờ bé gặp ai cũng sợ. Lúc mới xảy
ra chuyện, suốt mấy tuần, bé than đau. Ðêm tôi không dám ngủ, thức canh chừng.
Nhìn con, tôi như đứt từng đoạn ruột, không biết làm sao để con trở lại cuộc
sống bình thường, quên chuyện đã qua”.
Tòa
án nhân dân TP Cần Thơ xét xử một vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi vào tháng
1-2020.
Cuộc
hôn nhân đầu đổ vỡ, chị S đi thêm bước nữa, hy vọng có người phụ chăm lo con
cái. Thấy cha chồng sau (Nguyễn Văn Dệ - 78 tuổi) ở nhà kế bên, có vẻ thương A,
hay cho quà bánh, chị S cũng mừng, dạy con gọi bằng ông nội, phải ngoan, nghe
lời ông. Trước đây, A tự đi học, rồi đi chơi lòng vòng xóm đợi mẹ đi làm về.
Trong những buổi trưa vắng vẻ, người ông mất nhân tính đã kêu cháu vào nhà, dụ
dỗ cho tiền, bánh rồi thực hiện hành vi đồi bại, hăm dọa không được nói với mẹ.
Một lần chị S đi làm về sớm, tìm con. Thấy con hốt hoảng, khóc, chạy từ nhà ông
nội ra, áo quần xộc xệch, chị đã sinh nghi và không ngờ đó là sự thật. Chị tức
tốc đến công an trình báo dù phải đối mặt với bao áp lực vây quanh. Vụ việc xảy
ra nhiều lần, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10-2019 mà chị nào hay. Những ngày
cơ quan điều tra thụ lý vụ án, đưa con đi khám, chị S như khóc hết nước mắt. Bé
còn quá nhỏ, đâu hiểu những bất hạnh đang xảy đến với mình, chỉ biết thủ thỉ:
“Ông nội làm con đau…”. Kẻ thủ ác đã trả giá bằng bản án 20 năm tù nhưng làm
sao xóa nhòa ký ức kinh hoàng nơi con trẻ và sự tổn thương chất ngất trong lòng
người mẹ.
Sau
khi sự việc xảy ra, chị S dành thời gian chăm sóc, trò chuyện, đưa đón con đi
học, dạy con cách bảo vệ bản thân, không cho ra ngoài một mình chơi như trước.
Nhưng vì mưu sinh, chị không thể ở nhà mãi với con. Hằng ngày, chị và chồng đi
cắt rau cách nhà khá xa, thường đi từ khoảng 4 giờ sáng, trưa tạt ngang nấu
cơm, rồi lại đến tối mới về nên đành đóng cửa, để con ở nhà; khi đói thì A nhờ
hàng xóm nấu mì cho ăn. Chị S nói trong nước mắt: “Tôi biết bỏ con như vậy là nguy
hiểm nhưng ở nhà biết lấy gì sống, mà đi làm đưa con theo không được. Tôi dặn
cháu có gì thì chạy qua nhà hàng xóm hoặc gọi điện cho mẹ. Những lúc hết rau,
tôi tranh thủ chạy về ngó con chút xíu rồi đi”. Chị S dự định năm học tới chị
sẽ xin cho con học bán trú, còn ngày nghỉ sẽ dẫn con theo đi làm, dù cực nhưng
sẽ an tâm hơn.
Thấy
mẹ trò chuyện với khách, A mới an tâm ngồi gần đó xem mấy quyển truyện tranh và
sách tô màu, nhưng thỉnh thoảng bé vẫn ngước nhìn tôi với ánh mắt run rẩy. Tôi
đến gần làm quen bé, dường như khi biết được tôi sẽ không làm tổn hại đến bé,
bé mới kể cho tôi nghe chuyện trường lớp, bạn bè và mơ ước của mình. Bé A đã
học xong lớp 1, chữ viết rất đẹp, A mơ ước lớn lên sẽ làm cô giáo, mong có
nhiều tiền để lo cho mẹ bớt cực khổ. Trong lúc đang say sưa kể, bỗng bé dừng
lại và nói “Nhiều lúc con ngủ, mở mắt ra không thấy mẹ, xung quanh thì tối mịt,
con sợ lắm, nhất là những khi trời có sấm chớp…”. Nhìn hai mẹ con ôm nhau trong
buổi chiều mưa muộn trong căn nhà nhỏ đơn sơ mà thương thắt lòng. Mong A sớm
vượt qua cú sốc, cùng mẹ viết tiếp ước mơ.
Cần lắm sự quan tâm
Hẹn
nhiều lần, chúng tôi mới đến được nhà em C, 14 tuổi, ở phường An Khánh, quận
Ninh Kiều. Ngôi nhà nhỏ, xinh xắn nép mình dưới những tán cây xanh. C từng là
cô bé vô tư, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Còn giờ, em trở nên ít nói, suốt
ngày ở trong nhà, chỉ chơi với vài bạn thân, không muốn tiếp xúc người lạ, mỗi
khi ra đường đều nhờ người thân đưa đón.
Vì
con, cha C tạm gác những chuyến chở hàng đường dài để có thời gian gần gũi. Mẹ
C hối tiếc: “Hồi đó, thấy cháu hay ra ngoài, tôi tưởng đi học thêm. Tôi suốt
ngày bận bịu mua bán, đâu có thời giờ nói chuyện. Giá như lúc trước tôi quan
tâm, để ý tới con hơn thì đâu đến nỗi”. Cha C buồn bã tiếp lời: “Gia đình không
ai ngờ tới, nghĩ con còn quá nhỏ chưa biết gì. Dù rất giận nhưng thương con
quá, chúng tôi không nỡ la rầy, sợ con đau buồn nghĩ quẩn, làm chuyện dại dột.
Trong nhà, không ai nhắc đến chuyện cũ, tìm mọi cách vực dậy tinh thần, động
viên con ráng học, chuyện đã qua là quá khứ, quan trọng là tương lai phía
trước”.
Trước
khi xảy ra sự việc, C được cha mẹ mua cho điện thoại, nên thường lên mạng xem
tin tức, chat với bạn bè. Trong số những người bạn của thế giới ảo, C hay tâm
sự cùng Phan Văn Hoài Phong (18 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), rồi cả hai hẹn gặp
mặt, đi chơi. Lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của C, từ giữa năm 2018 đến tháng
9-2019, Phong đã ngon ngọt dụ dỗ C nhiều lần làm chuyện người lớn. Khi gia đình
C phát hiện thì sự đã rồi. Phong đã bị tòa tuyên phạt bằng bản án 10 năm
tù.
Trường
hợp T (14 tuổi) sống cùng bà ngoại ở quận Ô Môn cũng vừa đáng thương vừa đáng
giận. Cha mẹ T ly hôn. T sống với mẹ và bà ngoại. Mẹ T lo làm ăn, buôn
bán ở xa, ít khi về thăm, ngoại thì lớn tuổi lại quá thương cháu, ít khi nhắc
nhở, la rầy. Ðược sắm điện thoại, T lên mạng chat và quen Nguyễn Văn Thắng (20
tuổi, cùng địa phương). Tin những lời đường mật của bạn trai, từ cuối tháng
9-2018 đến tháng 4-2019, T nhiều lần cho Thắng quan hệ. Thấy cháu có biểu hiện
lạ, đi qua đêm, ít về nhà, gọi điện không nghe, bà ngoại đi tìm thì phát hiện
sự việc. Khi đó, cả mẹ và bà ngoại T đều choáng váng không ngờ chính sự thờ ơ
của mình dẫn con cháu rơi vào cạm bẫy của “yêu râu xanh”. Cũng vì vậy mà T dang
dở chuyện học hành. Thắng bị phạt 10 năm tù, tương lai của T giờ đây cũng mờ
mịt, chưa biết ra sao. Một bi kịch với nhiều tổn thương cho người trong cuộc mà
mọi sự giá như đều quá muộn…
Theo
đánh giá của Công an TP Cần Thơ, gần đây, tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em
trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 xảy ra 30 vụ, 31 đối
tượng, 30 em bị xâm hại; năm 2019 xảy ra 32 vụ, 32 đối tượng, 33 em bị xâm hại;
6 tháng năm 2020 xảy ra 15 vụ, 19 đối tượng, 15 em bị xâm hại… Phần lớn các vụ
xâm hại xảy ra do gia đình quá chủ quan và bị hại chưa được trang bị các kiến
thức để bảo vệ mình. Vấn đề đặt ra là làm sao giúp trẻ nhận diện nguy cơ, để
không trở thành nạn nhân đáng tiếc.
Theo ông Lê Văn Hận, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
thuộc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2020, Trung tâm đã trợ
giúp 71 trẻ bị xâm hại. Số trẻ bị xâm hại được trợ giúp pháp lý tăng từng năm.
Năm 2017 có 10 trẻ, năm 2018 có 13 trẻ, năm 2019 có 30 trẻ và 6 tháng đầu năm
2020 là 15 trẻ.
(Còn
tiếp)
Bài 2: Vì đâu nên nỗi?