Bài cuối: Chung tay bảo vệ trẻ em
►Đẩy mạnh truyền thông, phòng ngừa xâm hại
Những cuốn sách Luật Trẻ em, những tờ rơi trang bị kiến thức về
giới, cách tự bảo vệ mình với màu sắc bắt mắt, nội dung dễ hiểu được các ngành,
các cấp của thành phố phát đến tay các em nhỏ. Không chỉ vậy, trong từng tiết
học có liên quan của học sinh, hay trong từng buổi học của các trẻ mẫu giáo
cũng đều được các thầy, cô lồng ghép nhắc nhở, giúp các em có ý thức tự bảo vệ
mình. “Chúng em thường xuyên được thầy cô sinh hoạt về giới tính, sức khỏe sinh
sản vị thành niên, cách phòng tránh bị bạo lực, xâm hại… Những hiểu biết này
rất bổ ích, giúp em suy nghĩ và hành xử đúng đắn hơn, nhất là trong các mối
quan hệ bạn bè” - em Lê Khánh Quốc, học sinh lớp 11 Trường THPT An Khánh, quận
Ninh Kiều, nói.
Theo Trung tâm Công tác xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội thành phố, hiện nay, tất cả trường học đã tích hợp giáo dục phòng,
chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em vào các bài dạy trên
lớp, trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề “Giáo dục sức
khỏe sinh sản vị thành niên”, “Tình bạn, tình yêu và gia đình”... Ðồng thời, tổ
chức tốt các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, triển khai nội
dung thực hành tâm lý học đường phù hợp.
Bên cạnh tuyên truyền lồng ghép trong trường học, Hội LHPN luôn
là nơi đồng hành nhằm hỗ trợ, giúp chị em có thêm những kiến thức để bảo vệ con
em mình, đặc biệt là trẻ em gái. Diễn đàn lắng nghe phụ nữ, trẻ em nói về chủ
đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Hội tổ chức luôn thu hút nhiều chị em
tham gia. Qua đó, những bậc làm mẹ ý thức hơn trong việc quan tâm, chăm sóc con
của mình. Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hội
thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em,
nhằm nâng cao trách nhiệm và sự chia sẻ của cha, mẹ và các thành viên trong gia
đình về nuôi, dạy con, tìm giải pháp cụ thể, thiết thực giảm thiểu tình trạng
trẻ em bị xâm hại”.
Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội TP Cần Thơ, công tác chăm lo cho trẻ em được xác định là nhiệm vụ
quan trọng. Hằng năm, Sở đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về
chăm sóc, hỗ trợ và can thiệp trẻ bị bạo lực, xâm hại theo đúng quy trình, đảm
bảo kịp thời, được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em theo luật định. Ðến nay,
100% trẻ bị xâm hại được phát hiện đều đã được cung cấp các dịch vụ chăm sóc
sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, tư vấn, trị
liệu tâm lý...
“Các trường hợp trẻ bị xâm hại đều được thành phố hỗ trợ về pháp
lý, từ việc tư vấn pháp luật đến tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng
nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ” - ông Lê Văn Hận, Giám
đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết.
►Vì sự an toàn của trẻ
Trong hội trường khá rộng rãi vào những ngày giữa tháng 7, các
em nhỏ ngồi chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi với diễn giả, làm cho buổi nói
chuyện trở nên sôi nổi. Diễn giả là thành viên của Trung tâm Công tác xã hội TP
Cần Thơ, đem đến cho các em ở câu lạc bộ (CLB) Tuổi Hồng Trường Long (huyện
Phong Ðiền) nhiều kiến thức về vấn nạn xâm hại, bạo hành trẻ em và giúp các em
cách nhận biết cũng như biện pháp phòng, tránh bị xâm hại. Em Nguyễn Thúy Lam,
học sinh lớp 8 Trường THCS Trường Long, tự tin nói: “Buổi sinh hoạt giúp em bổ
sung kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm.
Từ nhỏ, em luôn được cha mẹ, thầy cô nhắc nhở không cho người lạ vào nhà khi
đang ở một mình; không xem phim, ảnh đồi trụy; không nhận quà, tiền giá trị của
người lạ; không đến nơi vắng vẻ, không ngồi một mình trong phòng kín với người
lạ…”. Thầy Phạm Ðình Tùng, Tổng phụ trách, Chủ nhiệm CLB Tuổi Hồng Trường Long,
cho biết: “Các buổi sinh hoạt đề cập nhiều vấn đề thời sự cần thiết đối với các
em, nhất là vấn nạn xâm hại trẻ em. Qua đó, giúp các em tự tin trao đổi, trang
bị kỹ năng sống, nâng cao kiến thức, biết cách ứng phó, tự vệ trong các tình
huống”.
CLB Tuổi Hồng không chỉ là nơi sinh hoạt, vui chơi mà còn là nơi
các em có thể trao đổi, giãi bày những thắc mắc về giới và tình trạng xâm hại
trẻ em để cùng nhau nâng cao ý thức phòng tránh. Theo ông Nguyễn Thanh Vũ,
Trưởng Phòng Tư vấn Trung tâm Công tác xã hội thành phố, giai đoạn 2014-2019,
các CLB Tuổi Hồng đã thực hiện 222 buổi sinh hoạt với 5.205 lượt trẻ em có
nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tham gia. Các em được trang bị kiến thức
phòng ngừa các tai nạn thương tích thường xảy ra; những kỹ năng sống cơ bản của
trẻ em; sức khỏe sinh sản vị thành niên; giới, giới tính và những biến đổi tâm sinh
lý tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì…
Thành phố hiện có 1 cơ sở công lập cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ
em là Trung tâm Công tác xã hội. Ðây là đơn vị đầu mối tiếp nhận, kết nối các
dịch vụ xã hội và chuyển gửi các ca trẻ em bị xâm hại. Ông Hồ Thanh Hải, Giám
đốc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm thực hiện các
biện pháp bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trung
tâm thực hiện tốt việc tư vấn các vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua tổng
đài 18008065, kết nối 24/24 giờ. Trung tâm phối hợp với quận, huyện thành lập
và ra mắt các 11 CLB Tuổi Hồng, dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Hướng tới,
chúng tôi sẽ kết nối thành lập những Ðội công tác xã hội tình nguyện có thêm
nhiệm vụ phát hiện và báo kịp thời những trường hợp trẻ bị xâm hại, nâng cao ý
thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em”.
Cuối năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an, Tòa án Nhân dân,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN TP Cần Thơ ký kết Quy chế phối
hợp giải quyết án xâm hại trẻ em. Theo ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng Viện Kiểm
sát Nhân dân TP Cần Thơ, hoạt động này là một bước đột phá, các đơn vị phát huy
hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng theo Quy chế, phối hợp nhịp nhàng
hơn trong công tác, kịp thời trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các
vụ án xâm hại trẻ em trên tinh thần xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với tội
phạm này để răn đe, phòng ngừa. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phương
thức, thủ đoạn, hậu quả để người dân cảnh giác. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa
phương trong công tác tiếp nhận, điều tra các vụ xâm hại trẻ em phải thực hiện
nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình, quy định pháp luật” - Thiếu tướng Nguyễn Văn
Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết.
Với vai trò quản lý nhà nước, ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thông tin: “Thành phố sẽ đẩy
mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại
tình dục. Ðồng thời, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ
em; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em
trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung
cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Bên cạnh
đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong duy trì, kết nối thực hiện hiệu quả cơ
chế thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ
em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em”.
UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng,
chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2020-2025. Mục
tiêu phấn đấu: 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo
vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục
kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại
tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; xây dựng mô hình phòng điều tra
thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên…