251/1 đường Tầm Vu, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Ý NGHĨA SỰ RA ĐỜI CỦA NGÀY CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM - NGÀY 25/3

Trên thế giới, Công tác xã hội (CTXH) đã được công nhận là một nghề chuyên nghiệp tại nhiều quốc gia trong suốt hàng thế kỷ. Ban đầu, CTXH mang đậm tính nhân đạo, nhưng theo thời gian, trước sự phát triển kinh tế và những vấn đề xã hội nảy sinh như nghèo đói, bất bình đẳng giới, hay nhu cầu hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, ngành CTXH dần trở thành một lĩnh vực thiết yếu. CTXH ra đời nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc thiếu nơi nương tựa, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ chung của xã hội; không chỉ phát triển mạnh mẽ tại các nước phương Tây, CTXH còn mở rộng sang Đông Âu, Châu Phi và Châu Á. Ngày nay, ngành CTXH đã được chuyên nghiệp hóa và trở thành một nghề chính thức tại hơn 90 quốc gia. CTXH là những hoạt động nhằm tạo ra sự phát triển của xã hội thông qua việc tham gia quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân, CTXH có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội, thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người (theo Hiệp hội Quốc tế Công tác xã hội).

Tại Việt Nam, CTXH được ra đời trong một bối cảnh nhiều khó khăn hơn. Trước năm 1975, nghề CTXH phát triển theo hai hướng khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Ở miền Nam, CTXH khi đó đang chuyên nghiệp hóa theo ảnh hưởng của mô hình Pháp và Mỹ, có các chương trình đào tạo CTXH ở các bậc cao đẳng và cử nhân, như trường Công tác xã hội Caritas. Ngược lại, ở miền Bắc, CTXH được hiểu như một hoạt động liên quan đến các công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em mồ côi và chăm sóc người già, người khuyết tật (đặc biệt là những người có công với Cách mạng). Sau năm 1975, mô hình của miền Bắc đã được nhân rộng ra toàn quốc, vì thế nghề CTXH có đào tạo bài bản ở miền nam đã ngừng hoạt động (theo tài liệu Trường Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Sau khi thống nhất đất nước, sự phát triển kinh tế làm xuất hiện trong xã hội thành phần người giàu và người nghèo rỏ rệt,   người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Ngoài ra, còn những vấn đề sức khỏe, bệnh tật do di chứng chiến tranh, các vấn nạn: nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn,… từ đó, nhu cầu xã hội đòi hỏi sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp (theo tài liệu Trường Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tại thời điểm đó, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, công tác Tư vấn và Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng và CTXH đã được hình thành, một số tổ chức dân sự xã hội cũng tham gia cung cấp dịch vụ CTXH ở một mức độ nhỏ. Tại Hà Nội, một vài Tổ chức phi chính phủ quốc tế và cơ quan phát triển của Liên Hợp quốc đã bắt đầu giới thiệu CTXH vào các khóa đào tạo cho cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công đoàn. Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chương trình giảng dạy CTXH bậc cử nhân. Năm 2005, Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia về nhu cầu nhân sự và đào tạo CTXH ở Việt Nam (UNICEF/Bộ LĐTBXH, 2005). Năm 2009, nghiên cứu về cơ cấu dịch vụ CTXH đã được thực hiện, kết quả của nghiên cứu này đã được sử dụng để làm cơ sở xây dựng khung Đề án cho Phát triển Công tác xã hội (2009).

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, lâu nay CTXH chỉ được hiểu trên ý nghĩa làm từ thiện, những người làm CTXH với tính chất tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện,… Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo các kỹ năng mềm, các khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tiễn, CTXH trước tiên phải là một hoạt động chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn và là một ngành nghề được xã hội công nhận. Nhằm giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, kết nối người dân được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa người và xã hội, góp phần ngăn ngừa các vấn nạn xã hội, từ đó hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ toàn diện.

Từ những vấn đề nêu trên, một mục tiêu phát triển Nghề CTXH tại Việt Nam được hình thành và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, giai đoạn đầu tiên và là giai đoạn nền mống cho sự phát triển Nghề CTXH hiện nay, với mục tiêu: “Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, CTXH đã chính thức trở thành một nghề chuyên môn.

Với ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận, tôn vinh giá trị, ý nghĩa nhân văn của Nghề CTXH và vai trò, đóng góp của những người làm CTXH, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, cũng như trong sự nghiệp an sinh xã hội. Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

Từ đó, Nghề CTXH ngày càng khẳng định vai trò của CTXH hơn, ngày nay hoạt động CTXH được xem là một nghề chuyên nghiệp, đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, nạn nhân của bạo lực, thiên tai, thảm họa,… Bên cạnh đó, ngày CTXH ra đời còn nhằm ghi nhận công sức, tâm huyết của đội ngũ nhân viên CTXH đang ngày đêm hỗ trợ cộng đồng; khuyến khích tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến của những người làm CTXH, tôn vinh những người làm CTXH. Ngoài ra, ngày CTXH còn hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội bằng nhiều hoạt động như tuyên truyền sâu rộng về vai trò của Nghề CTXH trong đời sống, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Ngày CTXH còn có ý nghĩa đặc biệt là thúc đẩy phát triển Nghề CTXH, tạo động lực để xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển CTXH ở Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên môn hóa Nghề CTXH, mở rộng mạng ưới dịch vụ hỗ trợ xã hội. Hơn thế nữa, ngày CTHX không chỉ là một dịp tôn vinh mà còn là cơ hội để nhìn lại những thành tựu đã đạt được và định hướng phát triển CTXH trong tương lai.

Nguyễn Vũ